XUÔI VỀ CỬA CẠN ĐỂ KHÁM PHÁ SỰ KẾT HỢP GIỮA NÚI RỪNG VÀ SÔNG NƯỚC

Cái tên Cửa Cạn mỗi lần đọc lên luôn mang theo cảm giác xao xuyến, thương thương, Cửa Cạn đi vào thơ văn Việt Nam bởi lẽ nó mang trong mình một dấu ấn lịch sử hào hùng và một câu chuyện buồn không tên. Theo chân https://oceantours.vn/ để biết vì sao khi nhắc đến cái tên Cửa Cạn thì luôn để lại một chút chạnh lòng buồn dịu nhé.

Câu chuyện năm xưa của sông Cửa Cạn...

Sông Cửa Cạn là nơi Nguyễn Trung Trực chọn làm căn cứ trong thời gian chống Pháp. Ông đặt một cụm quân ở Ba Trại Ngoài để bám biển, giữ vàm sông. Đoạn giữa sông Cửa Cạn là một xóm làng dân cư sung túc vốn là người nhà của nghĩa quân. 

Truyền thuyết kể rằng vào năm 1868, trong lúc nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực bị quân Pháp bao vây, phu nhân của ông từ Ba Trại tổ chức vượt đường trốn ra. Bà đi bằng ghe theo dòng sông Cửa Cạn để ra biển, có ý định vượt biển vào đất liền. Nhưng không may vào mùa cửa sông bị cát lấp, ghe của bà bị mắc kẹt tại đây. Bà lại đang có mang, vì đường sá vất vả, vận động quá sức, bà sanh non giữa một đêm mưa gió hãi hùng tại vàm Cửa Cạn. Biển động gió thét lại bị quân Pháp bao vây, bà không còn phương kế nào để thoát thân, dân chúng các xóm cũng đã đều bị quân Pháp bắt gom hết về thị trấn Dương Đông, không ai đến chăm sóc cho bà được. Sức bà cùng kiệt giữa đêm mưa. Sau đó bà bị băng huyết mà chết. Hài nhi sinh non lại thiếu sữa mẹ, cùng chết theo. Có mấy ngư dân gan góc, lần mò qua mắt quân Pháp, cốt tìm theo bảo vệ bà. Nhưng khi tìm gặp, thì hai mẹ con bà không còn sống được. Họ lén mang thi hài hai mẹ con bà giấu vào một bọng cây. Sau đó tạm yên, dân chúng đem hài cốt hai mẹ con bà chôn cất tử tế tại bãi Ông Lang. Về sau, mộ bà được gọi là mộ Bà Lớn.

Cửa Cạn ngày nay ra sao?

Đó là một câu chuyện buồn của quá khứ. Ngày nay, khi đi ngược dòng sông về phía thượng nguồn, các bạn sẽ bắt gặp những dòng nước uốn lượn quanh co, khúc khuỷu, khi khuất một nửa, khi thấy trọn dòng. Men theo dòng sông ra biển, có một bãi cát dài nhô ra chắn ngang quá nửa cửa sông, chỉ vừa đủ chỗ cho một con thuyền nhỏ lách qua. Mùa nồm, sóng biển đem theo cát lấp cửa sông, do đó mà có tên Cửa Cạn.

Cửa Cạn là tên một con sông thơ mộng trên đảo Phú Quốc. Sông bắt nguồn trên dãy núi Hàm Ninh, chảy theo hướng Tây Nam, qua cánh rừng Cấm và đồng Cây Sao, đồng Bà, rồi đổ ra vịnh Thái Lan tại xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, chiều dài tổng cộng 15 km.

Khám phá những điều thú vị trên sông Cửa Cạn

Chuyến đi thăm quan sông Cửa Cạn thú vị hơn nhờ việc các bạn sẽ được di chuyển bằng thuyền chèo hoặc thuyền máy hoặc bạn cũng có thể tự chèo xuồng. 

Sông Cửa Cạn tuy không dài và rộng nhưng cảnh quan hai bên bờ rất đẹp. Hai bên bờ sông, thấp thoáng vài mái nhà ngói đỏ au ẩn hiện dưới vòm cây xanh nghiêng nghiêng rủ bóng, bạn cũng có thể thấy những đàn chim, cò đang ríu rít trên các bụi cây. Vào mùa tràm nở, trên dòng sông lấp lánh xác hoa, hương thơm nhè nhẹ. Sông Cửa Cạn với đặc trưng nước rất trong và sạch luôn nha, khi đi thuyền bạn có thể nhìn xuyên dưới làn nước trong xanh có những con cá đang bơi lội luôn đấy.

Về diện tích chiều ngang sông không quá rộng như sông Mekong nhưng cũng không nhỏ, khoảng cách là 20 - 25m ở nơi rộng nhất và hình dáng sông uốn lượn hình con rồng chứ không thẳng tắp.

Ngoài ra, các bạn còn có thể xuôi dòng Cửa Cạn để ngắm cảnh và trải nghiệm nét đẹp bình dị của con sông hiền hòa đổ ra biển rồi sau đó bắt đầu với hành trình xuyên rừng khám phá rừng nguyên sinh quốc gia tại đây.

Sau khi chèo thuyền hay du ngoạn mỏi mệt, các bạn sẽ được phục vụ bữa trưa tại nhà hàng bên sông, sau đó sẽ nghỉ ngơi và tắm biển tại bãi Ông Lang, đây là một bãi biển hoang sơ và thơ mộng với bãi cát mịn và nước biển vô cùng trong xanh.

Nếu du lịch Phú Quốc, hãy thứ ghé thăm Cửa Cạn và hỏi người dân bản địa nhiều hơn về những câu chuyện năm xưa để hiểu hơn vùng đất sông nước bình dị đậm chất Kiên Giang này các bạn nhé! Một chuyến du lịch hữu ích sẽ là những câu chuyện khó quên về những vùng đất lạ mà ta chưa từng biết đến, như sông Cửa Cạn. Đến và tham quan để lưu giữ lại những hình ảnh đẹp nhất vùng đất sông nước này cùng Hà Thanh nha các bạn.

Bạn đang xem: XUÔI VỀ CỬA CẠN ĐỂ KHÁM PHÁ SỰ KẾT HỢP GIỮA NÚI RỪNG VÀ SÔNG NƯỚC
Bài trước
Đăng nhập
Đăng ký
Hotline: 0965204567
x